Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Cảnh giác khi trẻ hay ốm


Suy giảm miễn dịch là một bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Vì vậy, trẻ thường mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng hoặc tái phát nhiều đợt.
Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, cậu bé 6 tuổi Nguyễn D.H (ở Hải Phòng) là “gương mặt thân quen” của buồng bệnh 403 khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo gia đình kể, từ lúc 14 tháng H. đã ốm “như cơm bữa”, hết  thủy đậu, viêm phổi, viêm mũi họng lại viêm tai giữa. Đỉnh điểm là từ năm 2013 đến nay, bé đã 3 lần nhập viện vì viêm màng não mủ. Cha mẹ H. tá hỏa khi được các bác sĩ tại khoa giải thích bé mắc hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh, một căn bệnh hiếm “nghìn người có một” (tỉ lệ mắc 1/1200 trẻ sinh sống).
Cùng phòng với H. là bé Vũ N.M (6 tuổi, ở Hà Nội), hiện cũng đang dùng các thuốc hỗ trợ để điều trị suy giảm miễn dịch. Cách đây nửa năm, chị Bích, mẹ cháu M, hết sức bất ngờ khi biết con mình mắc căn bệnh này. Kể từ khi phát hiện bệnh, tháng nào chị cũng đưa con đến bệnh viện để truyền chế phẩm miễn dịch và mua thuốc uống. Chị Bích tâm sự: “Trước đây, người khác mắc bệnh gì là cháu lại lây bệnh đó, gia đình vất vả vô cùng. Từ ngày được dùng thuốc đều đặn, sức khỏe cháu ổn định hơn nhiều”.
Theo các bác sĩ, H. và M. chỉ là 2 trường hợp mắc bệnh thể nhẹ, có tiên lượng tốt trong gần 80 bệnh nhi được chẩn đoán mắc suy giảm miễn dịch tại BV Nhi Trung Ương. Theo PGS.TS Lê Thị Minh Hương, trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, suy giảm miễn dịch là một bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Vì vậy, trẻ thường mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng hoặc tái phát nhiều đợt. Tùy theo bản chất loại suy giảm miễn dịch, bệnh nhân sẽ mắc những bệnh nhiễm trùng khác nhau.
Suy giảm miễn dịch được chia thành 2 loại: dạng tiên phát bẩm sinh (do gen) và dạng thứ phát do mắc phải (nhiễm HIV, suy dinh dưỡng nặng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị…). Hiện trên thế giới có hàng chục ngàn bệnh nhân đang phải sống “chung thân” với căn bệnh này.

Cần phát hiện sớm bệnh suy giảm miễn dịch


BS Lê Thị Minh Hương cho biết, để điều trị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hiện nay chỉ có 2 phương pháp hiệu quả nhất là ghép tủy và truyền chế phẩm miễn dịch. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Hồng Kông, Pháp… trẻ được phát hiện bệnh trước 6 tháng tuổi và tiến hành ghép tủy thì cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 95%. Trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, nếu được truyền chế phẩm miễn dịch đều đặn, vẫn có thể học tập, vui chơi và có cuộc sống bình thường như các bạn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, do hiểu biết về căn bệnh này của các gia đình còn hạn chế, việc chẩn đoán sớm gặp rất nhiều khó khăn. Mới công tác tại khoa Miễn dịch hơn 3 năm, bác sĩ Vân Anh đã chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng về trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Bác sĩ còn nhớ rõ trường hợp bé gái 11 tháng tuổi Tạ L.D. (Hoài Đức, Hà Nội), nhập viện cách đây 1 tháng. D. được gia đình đưa đến khoa trong tình trạng nguy kịch do viêm phổi tái phát nhiều lần, tiêu chảy kéo dài. Các bác sĩ đã tích cực cấp cứu bằng nhiều biện pháp như thở máy, truyền dịch, truyền chế phẩm tăng cường miễn dịch IVIG nhưng bé không đáp ứng với bất kỳ biện pháp can thiệp nào và đã tử vong.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo chẩn đoán bệnh sớm là yếu tố quan trọng nhất giúp việc điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh đạt hiệu quả cao. Hãy đưa trẻ đến khám tại cơ sở chuyên khoa ngay khi thấy bé có một trong những dấu hiệu của bệnh lý suy giảm miễn dịch sau đây:
- Mắc từ 4 đợt viêm tai trở lên trong vòng 1 năm
- Mắc từ 2 đợt viêm xoang nặng trở lên trong vòng 1 năm
- Mắc từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong vòng 1 năm
- Sử dụng kháng sinh trong vòng 2 tháng trở lên nhưng không hiệu quả
- Trẻ chậm lớn, chậm tăng cân nhiều hơn bình thường
- Áp xe da hoặc nội tạng tái diễn
- Nấm miệng hoặc nấm da dai dẳng
- Phải truyền kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng
- Mắc từ 2 đợt nhiễm khuẩn sâu hoặc nhiễm khuẩn huyết trở lên
- Gia đình có tiền sử suy giảm miễn dịch

Hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tránh được những kết cục thương tâm, trả lại cho các bé và người thân cuộc sống yên bình.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Mùa hè, đề phòng viêm phổi ở trẻ


Viêm phổi là bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Đã có nhiều suy nghĩ rằng, viêm phổi chỉ xảy ra trong mùa đông. Thế nhưng trong tiết trời nóng nực của mùa hè cũng là điều kiện thuận lợi cho chứng viêm phổi ở trẻ em phát triển.
Vì sao mùa hè trẻ hay viêm phổi?

- Trong thời tiết nóng bức, các đồ ăn như: nước đá, kem, trái cây ướp lạnh luôn hấp dẫn với trẻ nhỏ. Nếu cho trẻ dùng nhiều và liên tục thì các bộ phận rất nhạy cảm ở họng, miệng, hầu, thanh quản cũng như các bộ phận khác của đường hô hấp dưới dễ bị tổn thương. Biểu hiện của sự nhiễm lạnh là viêm họng, hầu hoặc viêm thanh quản hoặc viêm amiđan, viêm VA... từ các bệnh này trẻ sẽ bị viêm phổi từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng nếu không phát hiện kịp thời.
- Mùa hè, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn và lại ngấm ngược vào cơ thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh lúc nào không biết. Mặt khác, nếu trẻ đang nhiều mồ hôi mà đi tắm ngay dễ gây cảm lạnh và dẫn tới viêm phổi.
- Không khí nóng bức khiến nhiều gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ cả ngày lẫn đêm. Không ai phủ nhận được sự dễ chịu do điều hòa nhiệt độ mang lại, nhưng vì sự chênh lệch nhiệt độ giữa phòng lạnh và ngoài trời quá lớn khiến cơ thể trẻ khó thích nghi. Hơn nữa, việc ngồi trong phòng điều hòa quá lâu khiến da trẻ bị khô, họng khô, trẻ dễ bị các loại vi sinh vật tấn công, nhất là các loại vi khuẩn gây viêm đường hô hấp như H. influenzae, phế cầu. Nếu không được chăm sóc tốt cũng có thể làm trẻ bị viêm phổi.


- Mùa hè thường gắn liền với những chuyến đi du lịch biển, đi bơi. Nếu trẻ tắm nhiều lần trong ngày hoặc ngâm mình dưới nước với thời gian lâu, trẻ cũng rất dễ bị cảm lạnh gây viêm họng, viêm amiđan hoặc nặng hơn là viêm phổi. Một số trẻ sau khi tắm xong thấy sốt cao, đau họng, chảy nước mũi, thậm chí khó thở, đó là dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp tính.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi
Viêm phổi ở trẻ có thể do virut, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Trong mùa hè, hay gặp nhất là viêm phổi do virut và vi khuẩn. Tùy từng giai đoạn của bệnh, độ tuổi và sức khỏe của bé, các dấu hiệu viêm phổi là khác nhau. Viêm phổi do vi khuẩn có triệu chứng đặc trưng là sốt cao và thở nhanh. Viêm phổi do virut các triệu chứng thường xuất hiện từ từ. Thời kỳ ủ bệnh có thể khác nhau tùy từng trẻ, cũng như giữa các loại vi khuẩn hoặc virut gây viêm phổi. Thông thường, thời kỳ ủ bệnh khoảng một ngày đến một tuần. Viêm phổi ở trẻ có thể chia làm hai loại: viêm lá phổi lớn (thường gặp ở bé hơn 3 tuổi) và viêm khí quản nhánh (thường gặp ở bé nhũ nhi).
Hãy cảnh giác trẻ bị viêm phổi nếu trẻ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao tới 39ºC liên tục, đau họng, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, trẻ nhỏ thì bỏ bú, quấy khóc... Nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, li bì, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi, các kẽ liên sườn bị co kéo. Ngoài ra, có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng. Nghe phổi có nhiều ran ẩm nhỏ hạt. Có thể có rối loạn tuần hoàn như sốc, trụy tim mạch... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu ôxy não, trẻ sẽ li bì hoặc kích thích, co giật.
Đối với các trẻ lớn thì việc nhận biết viêm phổi dễ dàng hơn còn ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ là quấy khóc, khó chịu nên dễ nhầm lẫn với tình trạng mọc răng, hay khó chịu trong người. Trẻ bị viêm phổi cũng có thể kèm theo triệu chứng tiêu chảy. Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, tím tái và có tiêu chảy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Khi thấy trẻ nhỏ có những dấu hiệu của viêm họng, ho, sổ mũi, quấy khóc cần chú ý chăm sóc trẻ tốt hơn, nếu các dấu hiệu bệnh qua một ngày mà không thuyên giảm cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, tránh những diễn biến nặng của bệnh.
Chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ thế nào?
Để hạn chế trẻ mắc bệnh trong mùa hè, nhất là bệnh viêm phổi, cần hạn chế cho trẻ dùng nước mát, nước đá, hoa quả và các thực phẩm chế biến sẵn để trong tủ lạnh. Mỗi khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ nên có sự điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Không nên để gió của máy điều hoà quạt thẳng vào cơ thể trẻ. Mặc dù là mùa nắng nóng nhưng khi tắm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi nên dùng nước ấm là tốt nhất và không nên cho tắm nước lạnh.

Nên tắm nước ấm cho trẻ dưới 5 tuổi, kể cả vào mùa nóng để phòng ngừa viêm phổi
Để phòng ngừa viêm phổi cũng như các bệnh đường hô hấp cho trẻ, trước hết trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh xa khói thuốc và khói do đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cho trẻ cách ly với trẻ bị bệnh để tránh lây lan thành dịch. Nên tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ các loại vaccin được sử dụng tại Việt Nam. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ đầy đủ đến 24 tháng.
Trong các trường hợp nhẹ, mới chớm bệnh, các mẹ có thể nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn cho trẻ, cho trẻ súc miệng bằng dung dịch súc họng hoặc nước muối loãng ấm hằng ngày. Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất.
Nếu thấy các triệu chứng viêm phổi nặng hơn, trẻ cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Tránh đưa trẻ đi khám muộn vì viêm phổi rất dễ gây biến chứng nặng. Không nên tự cho trẻ uống thuốc đặc biệt là các loại thuốc giảm ho, kháng sinh.

BS Hữu Hạnh

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Bài hát cho bé yêu của bạn

Các bài hát của bé Xuân Mai đã rất quen thuộc với các bé phải không?
Cùng nghe Liên khúc Con chim non của Bé Xuân Mai
Quảng cáo Nhảy cùng Zinzin

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

5 Nguyên tắc cho mẹ và bé mới ăn dặm kiểu Nhật

Các bà mẹ ít khi biết rằng, bắt đầu từ 5 tháng đã có thể cho bé tập ăn dặm mà không cần phải đợi đến 6 tháng, nếu như bé có các biểu hiện muốn ăn.

Giai đoạn 1 của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là khi bé được từ 5-6 tháng tuổi. Ảnh: Internet
1. Cho bé làm quen với ăn dặm kiểu Nhật như thế nào?
Các bà mẹ ít khi biết rằng, bắt đầu từ 5 tháng đã có thể cho bé tập ăn dặm mà không cần phải đợi đến 6 tháng, nếu như bé có các biểu hiện muốn ăn.
Các biểu hiện muốn ăn dặm của trẻ bao gồm:
- Miệng nhai tóp tép bắt chước người lớn.
- Đùn lưỡi ra vào nhiều khi nhìn người lớn ăn.
- Đã ngồi khá vững (cứng cổ).
Mục đích của giai đoạn này là TẬP cho bé làm quen với cách ăn bằng thìa, với thức ăn đặc hơn sữa là chính. Thức ăn của bé được chế biến thành dạng bột và sánh để bé dễ nuốt. Độ loãng của súp đạm và súp rau giống như cháo tỉ lệ 1:10.
Bắt đầu bằng cháo nấu tỷ lệ 1 gạo: 10 nước, cà nhuyễn. Lượng bắt đầu là 1 thìa (5ml).
Sau 1 tuần cho bé ăn cháo trắng nghiền, bắt đầu chế biến các loại rau củ và cho bé ăn kèm với cháo. Với bất kỳ 1 loại thực phẩm nào mới, lượng ăn chỉ nên là 1 thìa lúc ban đầu và theo dõi phản ứng của bé (rối loạn tiêu hóa, hay nôn trớ, v.v… nếu có) để có hướng xử trí phù hợp. Chỉ giới thiệu 1 loại thực phẩm mới mỗi lần và không trộn chung 2 loại thực phẩm.
Khi bắt đầu tuần thứ 3, cũng bắt đầu với 1 thìa đạm khi cho bé thử lần đầu tiên. Nếu tăng lượng thì chỉ cho bé ăn từng phần nhỏ mỗi lần. Mục đích của giai đoạn này chỉ là tập ăn và giới thiệu mùi vị của các loại thực phẩm mà thôi, sữa vẫn là chính, do đó nếu như bé không khoái lắm thì cũng đừng quá sốt ruột hay lo lắng.
 
2. Bé ăn mấy bữa/ngày là đủ? Cho bé ăn vào lúc nào?
Lượng thức ăn dặm: 1 bữa/ngày
Bữa ăn dặm nên được tách ra riêng biệt so với cữ sữa của bé. Một phần là để cho bé nhận thức được đó là ăn dặm, phần khác quan trọng hơn là để phòng ngừa khả năng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra nếu kết hợp thực phẩm nào đó với sữa.
Thời gian cho ăn hay được khuyên là 9 – 10h sáng, thời điểm bé tỉnh táo và dễ dàng hợp tác. Tuy nhiên giờ ăn có thể thay đổi để phù hợp với lịch sinh hoạt của từng gia đình.
Một gợi ý là cho bé ăn gần hoặc trùng giờ với giờ ăn của cả nhà để bé có thể hưởng niềm vui ăn uống cùng mẹ và mọi người.
Cần lưu ý tới các giấc ngủ của bé, tránh cho bé ăn trong lúc ngái ngủ dễ khiến bé không thoải mái.
 
3. Nấu ăn cho bé cần lưu ý những gì?
Thức ăn cho bé cần được nghiền nhuyễn, nấu kỹ và không nêm mắm muối. Ảnh: Internet
Tất cả các thực phẩm cho bé ăn trong giai đoạn này cần được nấu chín nhừ và nghiền nhuyễn.
Không nêm mắm muối để bé có thể biết được vị tự nhiên của thực phẩm và từ đó đưa ra lựa chọn (thích hoặc không thích, ăn ít hoặc ăn nhiều).
 
4. Những thực phẩm phù hợp với bé

- Nhóm đường bột : Gạo, bánh mỳ, mỳ, khoai tây, khoai lang, chuối.
- Nhóm đạm: Lòng đỏ trứng luộc, sữa chua trắng (không có vị gì, không đường), phô mai, đậu phụ, cá thịt trắng.
- Nhóm vitamin: Rau chân vịt, bắp cải, cải thảo, rau diếp, bông cải xanh, súp lơ, cà rốt, củ cải, bí đỏ, cà chua, dâu tây, táo.
5. Những thực phẩm không phù hợp với bé?
Những loại cá lưng xanh như cá thu, các loại giáp xác như tôm, cua..., các loại ốc, mì sợi, thịt, trứng...dễ gây dị ứng cho bé. Ở giai đoạn này, nên tránh cho bé ăn những thực phẩm trên.
(Sưu tầm)

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Bệnh tự kỷ ở trẻ

Căn bệnh tự kỉ tăng động khiến các bé không cảm nhận được những đau đớn, nguy hiểm khi vui chơi. Mải chơi, bé có thể trèo tường, leo cổng ra ngoài hay lao đột ngột ra đường giữa dòng xe cộ.

Những đứa trẻ "ở thế giới riêng"


Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, xinh xắn này, không ai nghĩ chúng đang mắc căn bệnh tự kỷ
Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, xinh xắn này, không ai nghĩ chúng đang mắc căn bệnh tự kỷ
Khoảnh sân trước khu vực điều trị nội trú của Cơ sở Trợ giúp trẻ em - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An - là nơi 4 đứa nhỏ đang chạy qua chạy lại nhưng lạ là chúng tuyệt nhiên không chơi với nhau.

Thỉnh thoảng, một vài đứa trẻ lại khóc ré lên. Có vẻ như đã quen với việc này nên người lớn quanh đó cũng không phải vội vàng chạy đến dỗ dành.
 
Chị Phan Thị Nghĩa (quê Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An) cho biết: “Có dỗ dành cũng không ăn thua, nó khóc một lúc quên đi là tự nín thôi”.

Bé Nam con chị năm nay 5 tuổi. Cháu bị sinh non, nhỏ yếu nên gia đình cũng chiều chuộng, thích gì là đòi bằng được. Bởi vậy khi cháu nghịch phá hay khóc “dai” mọi người cũng không trách mắng gì.
 
“Có khi đang ở trong nhà, thích là chạy thộc ra đường hay đâm sầm vào cánh cửa mà không biết sợ hãi hay đau đớn. Bảo anh chị trông em mà hôm nào tôi đi làm về cũng thấy cháu bầm tím khắp người. Mãi sau này khi cháu 4 tuổi, qua nhiều kênh thông tin mới biết cháu nó bị bệnh tự kỷ”, chị Nghĩa cho hay.

Chị H. (quê thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cũng cùng cảnh ngộ với chị Nghĩa.
 
Bé T. con chị nổi tiếng nghịch ngọm và không biết sợ là gì. Chị H. rầu rĩ: “Đưa cháu đi gửi trẻ thì được vài ba hôm là bị trả về. Nếu không xé hết tranh ảnh trên tường nhà trẻ thì cháu cũng cắn bạn, đánh bạn hay trèo tường, trèo cổng ra đường chơi. Các bố mẹ khác không dám gửi con cùng lớp của cháu”.
 
Đến 18 tháng tuổi, thấy cháu không nói năng gì, gọi cũng không thưa, không quay lại, có khi ngồi hàng giờ nhìn chăm chăm vào một chỗ hay chỉ chơi một mình, gia đình đưa đi kiểm tra mới T. bị tự kỷ.

Để chữa trị cho con, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khó khăn, khánh kiệt.
Để các cháu có thể hòa nhập cộng đồng, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và tâm huyết của giáo viên trị liệu cũng như người thân trong gia đình các cháu.

Chỉ mong con được xếp vô dạng... tật nguyền
Chị Hoàng Thị Hường, giáo viên trị liệu của Cơ sở trợ giúp trẻ em - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, cho biết: "Hiện tại chưa có tài liệu hay phương pháp điều trị chung nào cho tất cả các bệnh nhân tự kỷ. Tùy thuộc vào mức độ của từng cháu mà chúng tôi có phương pháp điều trị riêng. Nhiều bố mẹ nhận biết về căn bệnh này còn hạn chế hoặc chủ quan hay muốn giấu, không muốn người khác biết bệnh tình của con nên phát hiện bệnh muộn. Khi đó các cháu nhiều tuổi rồi, can thiệp rất khó".

Theo chị Hường, để việc điều trị có kết quả tốt, các cháu có thể hòa nhập với đời sống xã hội hay ít nhất là tự chăm sóc được bản thân mình thì đòi hỏi phải có sự kiên trì, phối hợp giữa giáo viên trị liệu,  gia đình cùng với đó là môi trường giáo dục đặc biệt. Độ tuổi thích hợp nhất để can thiệp, giúp các cháu sớm hòa nhập cộng đồng là từ 2-3 tuổi. "Không tính chi phí đi lại, ăn ở hay việc bố mẹ phải bỏ công việc để đi chữa trị cho con thì chi phí cho mỗi tháng điều trị tự kỷ tại các trung tâm, các bệnh viện có uy tín cũng mất 5-6 triệu đồng, có nơi đến cả chục triệu đồng một tháng.

Chi phí điều trị tốn kém nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân tự kỷ nào khỏi bệnh hoàn toàn. Bệnh tự kỷ chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu vẫn phải sử dụng liệu pháp tâm lý bằng các hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ ghi nhớ. Nếu tự kỷ ở dạng nhẹ thì cũng mất đến 3-4 tháng trời mới có thể nhìn thấy được sự thay đổi còn hầu như phải mất đến hàng năm trời điều trị trẻ mới có thể hòa nhập được cộng đồng", chị Hường cho biết thêm. 

Để chữa trị cho con, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khó khăn, khánh kiệt.
Để chữa trị cho con, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khó khăn, khánh kiệt.

Vợ chồng chị Nghĩa sống bằng nghề nông, thu nhập cũng chỉ ở mức đủ sống. Trong khi đó, bệnh tình của bé Nam lại phải điều trị lâu dài. “Không nói đến chi phí chữa bệnh thì cũng mất một người đi theo con tới bệnh viện. Hai mẹ con dời hẳn từ Diễn Châu vào Cơ sở trợ giúp trẻ em - Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An để ở. Tiền phòng phía Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ nhưng chi phí ăn uống, đi lại, chữa trị cũng không phải là ít. Trung bình mỗi tháng hai mẹ con cũng ngót nghét 4 triệu bạc trong khi chỉ mình chồng đi làm nên cứ phải giật gấu vá vai mới đủ”, chị Nghĩa cho biết.

“Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thể hiện trên 3 mặt: khiếm khuyết về chất lượng giao tiếp - tương tác xã hội và có những hành vi kỳ quặc. Trong đó, trẻ em là đối tượng bị mắc bệnh này nhiều nhất. Các nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 10 ngàn người thì có 12 người mắc chứng tự kỷ và cứ 88 trẻ thì có 1 trẻ mắc chứng rối loạn phát triển có nét tự kỷ, số lượng trẻ nam mắc gấp 3 lần số trẻ nữ.
Hơn 1 năm nay ông Nguyễn Huy Đương (Can Lộc, Hà Tĩnh) phải đưa cháu nội hơn 4 tuổi của mình đi chữa bệnh thay vợ chồng người con trai. Bố mẹ P. đi lao động mãi trong miền Nam, sau P. còn có một em nhỏ nữa. Khi biết P. bị bệnh, hai vợ chồng người con trai gửi cháu về cho ông bà còn mình vẫn phải bám trụ trong đó.

Vậy là một ông một cháu, đầu tuần bắt xe buýt từ Hà Tĩnh sang Nghệ An, cuối tuần lại bắt xe buýt từ Nghệ An về Hà Tĩnh. Hai ông cháu phải tự lo lấy cơm nước hoặc nếu không thì góp gạo, tiền nhờ các mẹ có con đang chữa bệnh ở đây nấu chung.

"Lương hưu của tôi được 4 triệu đồng một tháng là đổ hết vô cho thằng P. chữa bệnh. Bố mẹ nó chỉ làm đủ ăn với lo cho đứa con nhỏ, chẳng dư giả được bao nhiêu mà chi phí chữa trị cho thằng P. tốn kém lắm. Bác sỹ bảo phải điều trị lâu dài, may ra cháu nó mới bình thường được, còn nếu không thì...", ông lão bỏ lửng câu nói ở đó, nhìn đứa cháu nội đang chơi vô tư lự bên cầu trượt rồi cố nén tiếng thở dài.



Để chữa trị cho con, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khó khăn, khánh kiệt.
Những bà mẹ có con đang điều trị tại Cơ sở trợ giúp trẻ em - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An phải bỏ hết công việc, theo con hàng tháng trời chỉ với một mong muốn duy nhất là con mình có những cảm xúc bình thường như những đứa trẻ khác.

Lao tâm khổ tứ, đầu tư công sức, tiền của mong con phát triển bình thường như những đứa trẻ khác bởi vậy một chút thay đổi nhỏ của con cũng khiến họ sung sướng trào nước mắt. Đơn giản như mẹ gọi, bé biết quay lại, biết gọi mẹ, gọi bố hay khi "ăn vạ", mẹ nghiêm mặt lại đã biết sợ... những cái bình thường của các đứa trẻ khác nhưng đối với trẻ tự kỷ đó là cả một thành tích lớn lao của cả mẹ lẫn con.

Cả cô giáo, cả phụ huynh phải kiên trì, nhẫn nại với ngay chính bản thân mình để mong có sự thay đổi tích cực của các bé. Thế nhưng, nghĩ đến chặng đường phía trước còn quá dài, nhiều ông bố bà mẹ không khỏi cảm thấy đuối sức.

"Căn bệnh này nếu điều trị khi đã hơn 4 tuổi thì hi vọng gần như không còn nhiều. Nghĩa là các cháu phải sống với thế giới riêng của mình và "chết dần chết mòn" với căn bệnh không gây đau đớn này. Nhiều gia đình đã bắt đầu lâm vào cảnh cùng kiệt nhưng còn nước thì còn tát, chỉ mong Nhà nước xếp các cháu vào một dạng tàn tật nào đấy để có chế độ hỗ trợ cụ thể cho các cháu", ông Nguyễn Huy Đương kiến nghị. 

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

6 Tác dụng của nuôi con bằng sữa mẹ

Cho con bú có rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và em bé và rất nhiều bác sĩ khuyên bạn điều đó. Dưới đây là một số điều bạn cần biết.

Một trong những đặc quyền khi có con là bạn có thể cho con bú. Đó là cách tuyệt vời một người mẹ kết nối với em bé. Rất nhiều phụ nữ lựa chọn không cho con bú do lo lắng về vóc dáng hoặc không có đủ thời gian. Hãy cân nhắc lại khi bạn biết đến các lợi ích dưới đây: 

1. Sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể

Những kháng thể này giúp cho em bé mới sinh ra chống lại cảm cúm, dị ứng, nhiễm trùng tai và các bệnh khác. Em bé cũng sẽ ít bị tiêu chảy và táo bón hơn. Luôn luôn nhớ rằng em bé còn quá nhỏ và nuôi dưỡng một cách tự nhiên là tốt nhất.


2. Cho con bú giúp bà mẹ giảm cân

Cho con bú là cách tự nhiên giúp các bà mẹ giảm bớt vài cân. Hành động này khiến cơ thể tiết ra các loại hormone như oxytocin giúp làm co tử cung và dạ dày, để chúng trở lại kích thước bình thường. Cho con bú cũng giúp cơ thể tiết ra prolactin, giúp tránh trạng thái khóc lóc và ủ rũ sau khi sinh. Đó cũng là cách tự nhiên hỗ trợ người mẹ đối phó với những thay đổi gặp phải do việc mang thai và sinh con.

3. Lúc đầu, người mẹ có thể gặp khó khăn khi cho con bú

Một cách tự nhiên, các bé sẽ bắt đầu bú ngay lập tức sau khi được đặt gần ngực mẹ, tuy vậy, việc cho con bú cũng không dễ dàng và suôn sẻ ngay từ đầu. Bé có thể lười bú, có thể ngủ ngay lập tức, và bà mẹ cũng có thể bị đau nhức và tức ngực. Cũng có thể bạn bị nhiễm trùng và đọng máu trong ống sữa. Nhưng điều đó sẽ biến mất sau một thời gian cho con bú.

4. Cho con bú giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí

Hãy suy nghĩ về số tiền bạn có thể tiết kiệm được từ việc không phải mua thức ăn hay bất kỳ sữa bột nào cho bé. Số tiền tiết kiệm được sẽ dùng để chi vào việc khác khi nuôi dạy trẻ. 

5. Mẹ cần giữ sức khỏe và thoải mái khi cho con bú

Khi cho con bú, người mẹ là nguồn thức ăn của bé, do vậy điều quan trọng là bạn cần ăn uống lành mạnh. Bạn nên cố gắng ăn nhiều thực phẩm tự nhiên nhất có thể và chắc chắn rằng không thiếu bất kỳ vitamin hay khoáng chất nào. Cũng tránh xa r*** và thuốc lá. Luôn luôn nhớ rằng những gì bạn ăn cũng là những gì bé ăn.

6. Nên cho con bú ít nhất 6 tháng

WHO đã khuyến cáo bạn nên cho con bú ít nhất 6 tháng. Bạn có thể cho bé bú khoảng 1 giờ sau khi sinh. Và bạn nên sẵn sàng cho bé ăn bất cứ lúc nào vì em bé có thể rất đói trong vài tháng đầu tiên và có thể đòi ăn tùy hứng. 

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Nghe nhạc vui nhộn cho bé ăn ngoan

Trẻ em từ 6 tháng đến 1,5 tuổi trong thời gian ăn bột hoặc cháo thường mải chơi, không chú ý ăn. Có những gia đình phải đẩy bé đi chơi, ăn uống rất lâu và mất thời gian.
Tuy nhiên chúng ta có thể cho bé xem hoặc nghe những clip ca nhạc cho trẻ với âm thanh vui nhộn, giúp cho bé chú ý để có thể tập trung ăn ngon miệng:
Chúc bé nhà bạn ăn ngon miệng!

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Hướng dẫn cách nấu bột cho bé ăn dặm

Ở thời điểm 6 tháng tuổi, bé bắt đầu tập ăn bổ sung nhưng thức ăn chính của bé trong giai đoạn đầu vẫn là sữa, vì sữa có nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng, đặc biệt nguồn canxi dễ hấp thu nhất. Do đó chế độ ăn tháng này vẫn nên tiếp tục cho con bú hoặc uống sữa và ăn thêm 2 bữa bột (hoặc cháo xay), trong đó có một bữa bột sữa, một bữa bột thịt hoặc bột trứng.

Cách nấu bột sữa:
 - Cho 2 thìa cà phê bột gạo (tương đương 10 g bột) và nước vừa đủ để quấy đến khi bột sôi, 
 - Để nhỏ lửa đun tới khi bột chín. 
 - Khi bột chín sẽ chuyển màu trong, róc xoong, bạn cho một thìa cà phê rau lá xay nhỏ, đun vừa chín.
 - Trước khi bắc ra cho một thìa cà phê dầu ăn hoặc mỡ gà. 
 - Bột để còn ấm thì trộn 3 thìa sữa bột công thức vào.
Cách nấu bột ăn dặm - thịt, rau:
+ Thịt, cá sau khi băm nhuyễn thì tán trong nước nguội trước cho tan đều (không cho thẳng vào nước sôi).
+ Tiếp đến cho bột vào rồi bắc lên bếp, quấy đều tay cho đến khi bột chín.
+ Cho tiếp rau củ, dầu ăn và nước mắm vào, đậy nắp đến lúc sôi trở lại thì tắt bếp. Dầu và nước mắm có thể cho vào ngay sau khi tắt bếp.
 Lưu ý: Nếu sử dụng trứng thì phải đánh trứng với rau cho tan đều rồi cho vào sau khi bột chín.
Khi bé được 9 tháng thì có thể sử dụng gấp đôi lượng thực phẩm (lúc này không cần băm nhuyễn lắm) cũng với 200ml nước để có chén bột đặc hơn. Nếu bé không quen ăn đặc thì có thể làm như sau: Lấy 1 nhúm giá khoảng 20g (1 nắm tay) xay ra cùng với 200ml nước, lược bỏ cái rồi dùng nước này nấu bột như bình thường. 
Ngoài ra, bạn tập cho bé ăn hoa quả tươi như nạo chuối tiêu, uống nước cam, xoài xay…
Chúc các bạn nấu ăn cho thiên thần của mình đủ năng lượng và chất dinh dưỡng.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Những món ăn không nên cho trẻ ăn


Chắc rằng rất nhiều mẹ sẽ cảm thấy hãnh diện nếu bé nhà mình chịu ăn và ăn được nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhưng mẹ hãy thật cẩn thận, có rất nhiều loại thực phẩm nếu không chú ý mẹ có thể sẽ làm hại đến sức khỏe và trí tuệ của bé.

Các loại thịt ăn sẵn đã qua chế biến
Thịt đã qua chế biến bao gồm tất cả các loại xúc xích, thịt nguội, jam bông v.v. Nếu bữa ăn sáng hàng ngày mẹ làm cho bé là bánh mỳ kẹp xúc xích và thịt nguội thì mẹ đã vô tình cung cấp cho con một bữa ăn chứa đựng tiềm ẩn nguy cơ các bệnh nguy hiểm như béo phì, tim mạch, tiểu đường hay thậm chí là cả ung thư nữa. Mẹ có thể sẽ giật mình tại sao những thức ăn ngon lành ấy lại có hại đến vậy? Thực ra, loại thực phẩm này chứa rất nhiều calo, muối và mỡ. Nếu ăn quá 2 lần mỗi tuần sẽ làm nguy cơ mắc các bệnh trên càng tăng cao.

Thực phẩm quá mặn
Những loại thực phẩm chứa quá nhiều muối sẽ làm tổn thương huyết quản, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các tổ chức ở não, gây ra tình trạng thiếu máu, thiếu dưỡng khí ở tế bào não, dẫn đến trí nhớ bị giảm sút, phản ứng chậm chạp. Thực phẩm này cũng bao gồm cải muối, cà muối, cá khô, cá kho v.v. Nếu ăn mặn là sở thích của bé, mẹ hãy điều chỉnh lại ngay trước khi sở thích này là ảnh hưởng đến kết quả học tập của con.

Thực phẩm chứa nhôm
Thường xuyên cho trẻ ăn các thực phẩm có hàm lượng nhôm cao sẽ khiến trí nhớ giảm sút, phản ứng chậm chạp, thậm chí còn gây ra chứng đần độn. Nhôm thường có nhiều trong những loại thực phẩm chiên rán như bánh quẩy, bánh tiêu, gà rán... Nếu mẹ hay làm món này cho bé ăn tráng miệng, hãy thay thế bằng món ăn bổ dưỡng khác ngay nhé.

Mayonnaise
Bé nhà bạn rất ghét ăn salad nhưng lại hào hứng khi mẹ làm món salad dưa chuột táo trộn mayonnaise? Mẹ nên thật cẩn thận với loại thực phẩm này và hạn chế cho bé ăn nhiều vì một thìa mayonnaise chứa đến 90 calo, 10g chất béo và 90mg muối. Vì vậy món salad mayonnaise của mẹ có thể lại trở nên chẳng dinh dưỡng chút nào. Thay vào đó, mẹ có thể làm salad sữa chua cho bé, vừa tốt cho sức khỏe lại vừa ngon lành, bé khó có thể từ chối.

Các loại đồ hộp, thức ăn đóng hộp
Khi chế biến đồ ăn cho bé, mẹ nên hạn chế tối đa nguyên liệu lấy từ các loại đồ hộp như thịt hộp, ngô hộp, hoa quả đóng hộp bởi những loại thực phẩm này chứa rất nhiều chất bảo quản có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Không những vậy, nếu mẹ chọn không khéo và không để ý đến nhãn mác, có thể sẽ dùng phải những loại đã hết hạn hoặc bao bì đóng không đảm bảo và có chứa chất gây ung thư.

Bơ thực vật
Nếu bé ưa thích món bánh mì bơ, mẹ hãy chọn cho bé loại bơ có nguồn gốc từ sữa bò chứ chớ dại mà mua bơ thực vật. Loại bơ này chứa đầy dầu đã được hydro hóa (chất béo dạng trans-fats), vốn được biết gây ung thư, tiểu đường, bệnh tim và nhiều vấn đề phức tạp khác.

Nước ngọt đóng hộp và các loại nước có ga
Các mẹ không thể phủ nhận là không có đứa trẻ nào từ chối khi được đưa cho cốc nước ngọt đá ngon lành trong mỗi bữa ăn. Nước ngọt có ga là một thức uống quá phổ biến và hầu như luôn nằm trong top những loại thực phẩm yêu thích của trẻ nhỏ. Biết vậy nhưng mẹ chớ có dại cho bé uống nhiều bởi không chỉ là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì ở trẻ, loại thức uống này còn gây ra bệnh thận, ung thư, bệnh tim và tiểu đường nữa.

Các loại mỳ, đặc biệt là mỳ tôm
Đây là những thực phẩm tinh bột đã qua quá trình tinh chế, những thành phần có lợi như vitamin B và đường gluco đã giảm đi đáng kể và chỉ còn lại cacbon hydrat. Chất hóa học này sẽ làm giảm sự hoạt động của các noron thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến IQ của trẻ. Vì vậy dù có ưu điểm là chế biến nhanh chóng nhưng mẹ đừng nên cho con ăn mỳ tôm mà nên thay bằng các món ăn có lợi cho sức khỏe hơn.

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Bé ăn sữa chua bắt đầu từ tháng mấy?

Sữa chua có nhiều vi sinh vật có ích cho đường tiêu hóa của trẻ. Tuy nhiên, các bố mẹ cũng nên lưu ý chọn thời điểm phù hợp khi cơ thể bé có thể hấp thu được để cho bé ăn.
Bé từ 6 tháng có thể ăn sữa chua
Theo lời khuyên của các chuyên gia thì 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp nhất để tập các bé bắt đầu ăn sữa chua mỗi ngày với “tiêu chuẩn” như sau: bé từ 6-10 tháng: 50g/ngày. Bé từ 1-2 tuổi: 80g/ngày. Bé trên 2 tuổi: 100g/ngày.
Không nên cho ăn quá nhiều sữa chua
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều, vì có thể gây đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo quá cao.
Đặc biệt không được cho bé ăn sữa chua khi đói
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ bị thừa cân - béo phì, trẻ đang bị tiêu chảy, trẻ dị ứng với sữa bò…không nên ăn váng sữa.
Không nên làm nóng sữa chua trước khi cho bé ăn
Khi bé đang đói bụng bạn không nên lấy sữa chua chống đói cho bé.Bởi vì khi bụng trống rỗng, độ axit trong dạ dày lớn. Những vi khuẩn có lợi trong sữa chua rất dễ bị axit dạ dày giết chết, và tác dụng bảo vệ sức khỏe của sữa chua sẽ giảm đi rất nhiều.
Không nên làm nóng sữa chua cho bé ăn, bởi vì sau khi làm nóng, vi khuẩn có lợi nhất trong sữa chua bị giết chết. Nếu sữa chua lấy từ ngăn lạnh ra nên để trong bát nước thường để khi sữa chua về nhiệt độ phòng mới cho bé ăn nhé các mẹ!
Bé yêu ăn sữa chua
Nên cho trẻ ăn sữa chua sau bữa tối 30' cho đến 2h
Sau khi ăn tối khoảng 30 phút đến 2 tiếng là thời điểm ăn sữa chua tốt nhất.

Hiểu con yêu từ khi con chưa biết nói

Một cái duỗi tay, một cú đá chân vào không trung…không đơn giản là hành động vô thức mà hàm chứa những tín hiệu cảm xúc bé muốn truyền tải đến bố mẹ thân yêu. Chỉ có điều bé chưa thể diễn đạt bằng ngôn từ đó thôi.


Tin liên quan: Vì sao trẻ hay ốm
Đá chân

Có thể hiểu rằng: Bé đang có điều gì vui lắm. Ví như bé thích thú trước hình ảnh dòng nước mát lành đang trào ra ào ạt từ vòi xả, thì hành vi đá chân là một cách bé muốn tỏ bày: “Woa, thật tuyệt!”.



Thường thì hành động đá hay đạp chân là biểu hiện của sự vui vẻ và phấn khích.

Điều bạn nên làm
: Hãy chia sẻ sự hào hứng đó với con. Việc vung chân như vậy sẽ giúp bé phát triển những cơ bắp cần thiết. Nhưng nếu con bạn thích đá vào chú chó nhà hàng xóm, thì đừng để bé tiếp tục hành vi này nữa. Đối với bất cứ một cử chỉ nào, các chuyên gia khuyên rằng luôn quan sát nét mặt của bé, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ý nghĩ của bé.

Hoặc điều đó cũng có nghĩa: Bé đang muốn bạn dành thêm thời gian cho chúng. Bé hiểu rằng việc đạp chân vào đệm nôi không những tạo ra tiếng động thích thú mà còn giúp thu hút sự chú ý của bạn, người bé quan tâm nhất.

Điều bạn nên làm: Đặt bé vào lòng mình và hát những bài bé thích. Những cú đạp chân của bé kèm theo nhịp điệu lên xuống của bài hát là một bài biểu diễn tuyệt vời đấy chứ? Hãy dành nhiều thời gian riêng tư chơi với con như thế.

Quay mặt đi hướng khác

Có thể hiểu rằng: Bé cần thời gian để hiểu được việc gì đang diễn ra. Trẻ em thường cố gắng nhận biết những gì chúng nhìn thấy. Xoay mặt đi chỗ khác cũng có nghĩa là để con nhai hết đã rồi bố, mẹ hãy đút muỗng khác nhé.



Khi bé quay mặt sang hướng khác, có thể bé vẫn đang muốn tập trung cho một điều gì khác ngoài bạn,
hoặc bé muốn giảm tốc độ đút ăn của mẹ đấy. Ảnh: Gettyimages.

Điều bạn nên làm
: Hãy để bé thoát ra khỏi những việc làm thường ngày của mình, đồng ý với việc bé thỉnh thoảng liếc nhìn ảnh của mình trong gương hay một món đồ chơi mới.

Hoặc điều đó cũng có nghĩa: Bạn đang xâm phạm vào không gian riêng tư của bé đấy! Cũng như người lớn, trẻ em sẽ cảm thấy khó chịu nếu có ai đó xâm phạm đến thế giới riêng của mình..

Điều bạn nên làm: Cho bé ở riêng trong phòng để thư giãn. Bạn muốn kiểm soát con thật cẩn thận? Nhưng sẽ tốt hơn nếu bé thấy thích thú với bức tường kia. Hãy đặt bé xuống và để chúng tự chơi đùa trên sàn, khoảng 20 phút! Này nhé! đó cũng là khoảng thời gian bạn có thể tận dụng để nghỉ ngơi.

Dụi hay che mắt

Có thể hiểu rằng: Bé đang cố dụ bạn để chơi trò ú tim với chúng. Trẻ có thể nắm bắt được luật chơi rất nhanh, thậm chí khi mới 8-9 tháng tuổi chúng có thể là người bắt đầu trước đấy.

Mẹ ơi, mình chơi ú oà đi! Ảnh: Gettyimages.

Điều bạn nên làm:
Thử kéo tấm chăn mỏng che qua tầm mắt bé để xem bé phản ứng với nó như thế nào; và hãy "ú oà" với bé khi bé kéo được tấm chăn xuống. Sau khi bé đã thành thạo việc này, bạn hãy tự trùm mình lại và để bé giúp gỡ tấm chăn ra.

Hoặc điều đó cũng có nghĩa: Đã đến giờ lên giường của bé rồi. Giống như người lớn, khi dụi mắt tức là bé đang rất mệt và buồn ngủ.

Điều bạn nên làm: Nếu bé ngáp dài và rúc vào người bạn nũng nịu, dĩ nhiên đã đến giờ đi ngủ rồi. Bạn có thể bỏ qua vài thủ tục thường ngày, ví như đọc một câu chuyện hay một bài hát ru...

Xoắn tóc lại

Có thể hiểu rằng: Con bạn biết cách làm chúng thấy thoải mái hơn. Hành động lặp đi lặp lại đó giúp trẻ giải phóng năng lượng dư thừa. Điều đó làm hệ thần kinh trung ương của trẻ bớt căng thẳng hơn.


Xoắn tóc có thể là một hành động giúp bé giải toả năng lượng trong mình. Ảnh: Gettyimages.

Điều bạn nên làm:
Cứ để bé làm thế. Đó là một trong những hành vi tự thoả mãn có thể khiến người ngoài nhìn vào cảm thấy kỳ quặc. Nhưng bạn phải ngăn lại khi chúng thực sự làm đứt tóc mình (hoặc khi chúng muốn xoắn tóc bạn). Sau đó thử thay thế bằng tấm khăn lụa choàng cổ hay tóc những con búp bê xem chúng có thể thay thế hay không?!

Hoặc điều đó cũng có nghĩa: Bé đang cảm thấy lo lắng về một điều gì đó, có thể do một người trông trẻ mới hay là một sân chơi quá ồn ào.

Điều bạn nên làm: Hãy giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Đưa bé một tấm khăn hay món đồ chơi mềm nếu bé chưa sẵn sàng nhập cuộc. Đồng thời bạn có thể trấn an bằng cách: “Mẹ biết, ở đây quá đông, quá nhiều bạn mới phải không?”. “Có thể bé sẽ không hiểu những gì bạn nói, nhưng giọng điệu nhẹ nhàng có thể giúp bé cảm thấy bình tĩnh hơn”, Lauren Zimet, nhà nghiên cứu bệnh ngôn ngữ học và giám đốc Early Insights, trung tâm tư vấn cho phụ huynh ở Atlanta nhận định như thế.

Uốn cong lưng, vặn mình

Có thể hiểu rằng: Bé đang rất thất vọng! Nếu kèm theo đó là tiếng thét hay bé cố làm ầm ĩ lên thì có thể dễ dàng hiểu bé đang muốn nói rằng: “Con bực lắm rồi, con cần ba/mẹ giúp con bình tĩnh lại!”


Nếu bé vặn vẹo và khóc oằn người, rõ ràng là bé không vui rồi. Ảnh: Getyimages.

Điều bạn nên làm
: Trấn an bé theo cách tốt nhất bạn có thể. Vì có thể uốn lưng thỉnh thoảng là một trong những dấu hiệu bé muốn ám chỉ điều gì đó, như xoay mặt đi hay giụi mắt. Sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường để dỗ bé đấy, nhưng bạn phải cố gắng hết sức. Còn nếu nỗ lực của bạn làm cho tình trạng càng trầm trọng thêm, kiểm tra xem có phải trẻ đang đói, hoặc bị ướt hay đang đau ở đâu đó không, sau đó hãy đặt bé nhẹ nhàng vào nôi và dỗ bé từ từ vào giấc ngủ.

Hoặc điều đó cũng có nghĩa: Con bạn đang bị đau đấy! Nếu trẻ oằn mình và la khóc sau khi vừa được cho ăn thì có thể điều đó chỉ ra rằng bé đang bị đau do dịch axit tiêu hoá đang trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

Điều bạn nên làm: Nếu trẻ không ngừng lại thì bạn nên đưa đến bác sĩ nhi để kiểm tra. Bác sĩ sẽ giúp kê thuốc để trung hòa lượng acid đó, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Duỗi cánh tay ra

Có thể hiểu rằng:Bé đang cảm thấy rất dễ chịu. Việc duỗi cánh tay cộng với lòng bàn tay và ngón tay mở ra chỉ ra rằng bé đang rất thoải mái và sẵn sàng khám phá những gì đang diễn ra xung quanh. Một lần nữa, hãy quan sát nét biểu cảm trên gương mặt trẻ để hiểu rõ hơn!


Bé đang cảm thấy thoải mái, và có thể bé muốn tập ngồi nữa mẹ ạ. Ảnh: Gettyimages.

Điều bạn nên làm:
Vào những thời điểm như thế, bé sẽ thấy dễ dàng hơn để ra ngoài hay đi mua sắm cùng với bạn. Hãy tìm cách giúp bé thấy thích thú nhất: đưa bé món đồ chơi yêu thích và cùng mẹ đi dạo phố một lát.

Hoặc điều đó cũng có nghĩa: Con bạn đang tập ngồi đấy! Cánh tay duỗi ra giúp trẻ mới tập ngồi giữ được thăng bằng cho cơ thể.

Điều bạn nên làm: Giúp bé một tay nếu bạn cảm thấy cần, điều đó giúp phát triển cơ bụng của trẻ. Hãy kê nhiều gối êm xung quanh để bảo vệ bé khỏi đập đầu khi ngã xuống do ngồi chưa vững.

Kéo mạnh lỗ tai

Có thể hiểu rằng:Bé đang cảm thấy căng thẳng hay rất buồn bực. Giật lỗ tai là biểu hiện của điều gì đó quá mức đối với trẻ, như sữa quá nóng, hay bé đang bị đầy hơi.



Khi bé tự kéo tai mình, có thể bé đang buồn bực điều gì. Ảnh: Gettyimages.

Điều bạn nên làm:
Cố gắng giúp bé cảm thấy đỡ hơn. Nhưng nếu sau khi ợ, hay những nỗ lực của bạn không giúp ích, hãy kéo rèm lại và đổi sang một phòng khác, hoặc tắt ti vi đi.

Hoặc điều đó cũng có nghĩa: Con bạn đang bị đau! “Việc kéo tai thể hiện bé đang cảm thấy không thoải mái ở một bộ phận nào đó trong cơ thể”, bác sĩ Burnham phát biểu. “Đó không hẳn là bệnh viêm tai, mà có thể là đau cổ họng hay nghẹt mũi”.

Điều bạn nên làm: Thử nhớ lại xem còn có những nguyên nhân nào khác không? Như cho bé ăn quá nhiều? Nếu thế, hãy để bác sĩ kiểm tra giúp tình trạng của bé.

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Nguyên nhân trẻ hay bị ốm - sốt?

Có rất nhiều trường hợp cha mẹ cứ băn khoăn không biết tại sao mình nuôi con lại vất vả thế. Tháng nào con cũng bị ốm mặc dù đã đi khám ở nhiều trung tâm y tế , các bệnh viện, xét nghiệm đủ kiểu, uống khá nhiều các loại thuốc những ốm vẫn hoàn ốm.
Tại  sao trẻ hay ốm?
Để hiểu rõ tại sao là vấn đề rất phức tạp, tuy nhiên có một số nguyên nhân khác nhau chủ yếu như sau:

*Hệ miễn dịch yếu và chưa hoàn thiện: Sau khi sinh, trẻ nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa, gọi là “hệ miễn dịch thụ động”. Trong quá trình lớn lên, hệ miễn dịch của trẻ mới được hoàn thiện dần. Sự nhạy cảm cao với điều kiện bên ngoài và sức chịu đựng kém. Các vắc xin tiêm phòng chỉ có thể gia tăng khả năng miễn dịch của trẻ với những bệnh nhất định, tuy nhiên không phải là tất cả, nhất là đối với những bệnh dễ mắc như: viêm phổi, trẻ bị sốt virus, chân tay miệng,...
* Hệ tiêu hóa chưa tốt: Hệ vi khuẩn đường ruột chưa hoàn thiện, các men tiêu hoá chưa đủ cũng là một trở ngại lớn cho việc tiêu hóa thức ăn, đặc biệt đối với những trẻ lười ăn và có chế độ ăn chưa phù hợp. Điều này xảy ra với đa số trẻ em do khẩu phần của trẻ phần lớn được quyết định bởi người lớn. Rồi thói quen “ép ăn” cũng khiến cho trẻ có tâm lý “sợ ăn” và dẫn đến việc không đủ chất, hoạt động của nhiều cơ quan không được cân bằng và là cơ sở của nhiều căn bệnh khác nhau.
* Khó tìm thuốc dành cho trẻ em: Có rất nhiều loại thuốc chống chỉ định và hạn chế sử dụng đối với trẻ em. Nhất là kháng sinh, sử dụng nhiều cho cơ thể trẻ là hoàn toàn không tốt, vì dễ dẫn đến việc mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, làm cho hệ tiêu hóa kém đi và kết quả là thể trạng của trẻ không thể được cải thiện, lại càng dễ mắc bệnh hơn.
* Một số ít trường hợp có thể trẻ bị suy giảm miễn dịch: Nguyên nhân của suy giảm miễn dịch có thể do bẩm sinh (suy giảm miễn dịch tiên phát) hoặc mắc phải (suy giảm miễn dịch thứ phát), làm cho các loại tế bào có thẩm quyền miễn dịch không còn khả năng phản ứng với các kháng nguyên nữa, khiến cơ thể không chống lại được các vi sinh vật gây bệnh, hậu quả là cơ thể dễ bị nhiễm trùng nặng, đi đến tử vong.
Làm sao cho bé tăng cân đều và khỏe mạnh?
Để cải thiện thể trạng và phòng chống bệnh tật cho trẻ cần:
- Thứ nhất: Tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể bằng cách nâng cao hệ miễn dịch đường tiêu hoá, vì 70 – 80% hệ miễn dịch của cơ thể ( sản sinh ra IgA ) nằm ở thành ruột, giúp đường tiêu hoá khoẻ mạnh và trẻ hấp thu tối đa chất dinh dưỡng .
Bổ sung sữa trong khẩu phần ăn của bé

- Thứ hai: Bổ sung những vi chất dinh dưỡng quan trọng, các vitamin, các acid amin thiết yếu để trẻ mau chóng bình phục sau ốm.
- Thứ ba: Giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng cân đều đặn theo biểu đồ tăng trưởng.
- Trong trường hợp nghi ngờ trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải cần được khám bác sỹ chuyên khoa miễn dịch để tìm nguyên nhân và điều trị đặc hiệu.